Trang chủ / Blog / Nguồn Gốc Lịch Sử Thú Vị Về Cà Phê

Nguồn Gốc Lịch Sử Thú Vị Về Cà Phê


Nguồn Gốc Lịch Sử Thú Vị Về Cà Phê
Bạn sẽ giật mình khi biết cafe là loại hình hàng hóa có nhu cầu lớn thứ 2 thế giới hiện nay – chỉ xếp sau duy nhất dầu mỏ. Ngay cả vàng và nhiều thứ đáng giá khác cũng phải cúi mình trước thành tích trung bình 400 tỷ cốc bán ra mỗi năm của cafe.
Dù vậy, không phải ai cũng biết rõ về nguồn gốc cà phê và những sự kiện quan trọng gắn liền với nó. Hành trình kéo dài hơn 1000 năm, từ một loài cây vô danh tới thứ hạt thần kỳ mê hoặc hàng tỷ người, thực sự là dấu mốc rất đáng ngưỡng mộ.
Người ta tìm ra cafe bằng cách nào? Làm sao để cafe biến thành nhiều phiên bản độc đáo như vậy? Hãy chuẩn bị một tách cafe thơm ngon và cùng Mộc Đô cafe thưởng thức câu chuyện đầy thú vị này nhé.

Nguồn Gốc Cây Cà Phê: Đàn Dê Làm Nên Lịch Sử

Thề không giật tít, đây là sự thật 100% luôn! Nghe khó tin nhưng rất nhiều ghi chép và bằng chứng đã có chung kết luận về mốc sự kiện này.
Mọi chuyện bắt nguồn vào năm 850 (sau Công Nguyên) tại Ethiopia, quốc gia tại Đông Phi. Kaldi – nhân vật chính của chương đầu câu chuyện – là một anh nông dân chăn dê. Một ngày nọ, anh bỗng thấy sự lạ ở đàn dê của mình.
Hành động và phản ứng của những con dê trong đàn có vẻ sôi nổi quá mức bình thường, khiến Kaldi không thể không để ý. Cuối cùng, anh phát hiện rằng điều này chỉ xảy đến khi lũ dê ăn một loại quả lạ màu nâu đỏ trông giống cherry (chính là quả cafe).
Một số tài liệu còn kể rằng “lũ dê biết nhảy múa”, nhưng tất nhiên còn lâu người ta mới tin là thật…
Sự tò mò và cám dỗ ngày một lớn đã khiến Kaldi tự thử ăn loại quả này. Sau khi trải nghiệm cảm giác tràn đầy sức sống, anh đem chúng tới tu viện trong làng, xin lời tư vấn từ các thầy tu thông thái.
Bất ngờ thay, sau khi xem xét và nghe chuyện từ Kaldi, vị thầy tu đã giận dữ ném đống quả vào bếp lửa. Ông cho rằng chúng là hiện thân của tà đạo và quỷ dữ.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Sau khi gặp lửa và chín tới, hạt cafe bắt đầu tỏa ra một hương thơm lạ lùng mà mê hoặc. Cả tu viện trở nên tò mò không chịu nổi, đành dập lửa và đem số quả về “điều tra” lại từ đầu.
Họ thử cho chúng vào trong nước nóng, may mắn thế nào lại ủ thành cafe dạng lỏng theo đúng nghĩa đen. Sau cùng, họ uống thử và tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng kích thích não bộ tỉnh táo. Từ đó, các thầy tu quyết định sẽ sử dụng cafe để làm việc và cầu nguyện năng suất hơn trong ngày.

Tên Gọi “Cafe” Do Ai Đặt Ra?

“Cà phê” hay “café” trong tiếng Pháp đều không phải danh từ gốc để gọi tên loại hạt này. Chúng đều là từ mượn của “coffee” ra đời năm 1582 trong tiếng Anh.
Dù vậy, “coffee” vẫn chưa phải từ gọi đầu tiên để chỉ hạt cà phê. Thực chất, danh từ gọi tên cà phê trên thế giới đã trải qua cả một chuỗi vay mượn giữa nhiều ngôn ngữ:
  • “Coffee” của tiếng Anh mượn từ “koffie” của tiếng Hà Lan
  • “Koffie” của tiếng Hà Lan mượn từ “kahve” của Thổ Nhĩ Kỳ
  • “Kahve” của Thổ Nhĩ Kỳ mượn từ “qahwah” trong tiếng Ả Rập
Như vậy, có thể nói Ả Rập là ngôn ngữ đầu tiên nghĩ ra từ chỉ tên cho hạt cà phê. Các quốc gia Ả Rập nằm tại vùng Trung Đông – cũng là khu vực được tiếp xúc sớm bậc nhất với loại hạt này sau Ethiopia.
Từ “qahwah” trong tiếng Ả Rập bắt nguồn từ một khái niệm chỉ rượu. Thế nhưng, nó cũng có cấu tạo gần giống và hàm ý liên quan tới những từ ngữ khác cũng đặc trưng của cafe, ví dụ:
  • “quwwa”: Chỉ nguồn năng lượng, sức sống trong tiếng Ả Rập
  • “Kaffa”: Tên vương quốc cổ ở Ethiopia đã có công xuất khẩu cà phê tới Trung Đông

Trung Đông: Dấu Mốc Phát Triển Đầu Tiên Của Cafe

Lần đầu cafe bước chân ra thế giới

Sau sự kiện đàn dê gắn liền với nguồn gốc cà phê tại Ethiopia, hãy cùng đến với diễn biến tại vùng Trung Đông, gồm các quốc gia thuộc Tây Nam Á và Ai Cập.
Theo sử sách, cuối thế kỷ 15 là thời điểm đầu tiên có bằng chứng cho thấy cafe được đưa từ Ethiopia tới Cộng hòa Yemen (quốc gia thuộc Trung Đông, nằm tại Nam bán đảo Ả Rập). Sau đó, tiếp tục có thêm những chuyến hàng tương tự cập bến thành phố cảng Mocha của Yemen.
thành phố Mocha (Yemen)
Thành phố Mocha thuộc Cộng hòa Yemen.
Có thể bạn chưa biết: Thành phố cảng Mocha cũng chính là nơi sinh ra tên gọi và cách pha chế nguyên bản của cafe Mocha.
Các tín đồ Sufi giáo (một nhánh của Hồi giáo) tại Yemen thường dùng cafe để tăng sự tập trung khi cầu nguyện, nhất là khoảng thời gian về đêm. Thậm chí, họ còn coi việc uống cafe như một cách “thanh tẩy tâm hồn” mỗi lần làm nghi lễ về Chúa.
Dần dần, hạt cafe được đưa tới nhiều thành phố khác như Mecca và Cairo (Ai Cập), Medina (Ả Rập), Damascus (Syria), Baghdad (Iraq), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Người dân nơi đây rất tích cực hưởng ứng, nhanh chóng gia nhập hội ghiền cafe của thế giới.
Kể từ đó, các quán cafe đầu tiên được mở ra, với tên gọi chung “Schools of the Wise”, hoạt động đơn giản như một nơi tụ tập giao lưu giữa mọi người.
Vì một lý do nào đó, tòa án thành phố Mecca (Ai Cập) lại không tán thành việc sử dụng cafe. Họ ra sắc lệnh cấm toàn bộ cư dân thành phố, nhưng sau cùng lại rút lời vì những lý do tôn giáo phức tạp.

Thánh nhân phá luật

Ở một tình tiết khác, Baba Budan – vị thánh nhân thuộc Sufi giáo – đã lén đưa 7 hạt cafe thô từ thành phố Mocha về Ấn Độ. Đây là bước ngoặt lớn giúp cafe trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu.
Tại sao Baba Budan phải lén làm vậy? Thời đó, Yemen muốn bán độc quyền cafe. Vì vậy, họ không bao giờ xuất khẩu hạt thô để nước khác có thể tự trồng thành cây giống, mà chỉ bán hạt cafe đã rang và sơ chế xong.
Từng giai đoạn xử lý của quả và hạt cafe, từ khi mới thu hoạch cho tới rang xay xong.
“7” là con số thiêng của Hồi giáo và Sufi giáo, khiến sự kiện Budan đưa 7 hạt cafe về Ấn Độ lại càng lan truyền rộng rãi. Nông trại tiếp nhận số cafe đó sau này cũng lấy luôn tên ông để đặt cho cơ sở của họ.
Đó cũng là khởi đầu cho câu chuyện về nguồn gốc cafe tại Ấn Độ, sau này đã nhanh chóng được sản xuất trên khắp mọi miền đất nước và cả những khu vực lân cận.